Seminar nhóm nghiên cứu mạnh Bệnh thủy sản – khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Chiều ngày 19/12/2022, Nhóm NCM Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản tổ chức buổi seminar học thuật. Chương trình bao gồm 3 bài trình bày:

  1. “Ảnh hưởng của một số yếu tố đến quá trình tạo trứng nghỉ của luân trùng nước ngọt calyflorus”do ThS. Phạm Thị Lam Hồng – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Bệnh Thủy sản trình bày.
  2. Phân lập và tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn Streptoccocus agalactiae gây bệnh mù mắt trên ếch Thái Lan (Rana tigerina) nuôi tại một số tỉnh phía Bắc do PGS.TS. Trương Đình Hoài – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Bệnh Thủy sản trình bày.

Buổi seminar do PGS.TS. Kim Văn Vạn là chủ tọa với sự tham gia của các cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên, học viên cao học và sinh viên trong Khoa.

Trong buổi seminar, ThS. Phạm Thị Lam Hồng đã chia sẻ Luân trùng Brachionus calyciflorus là thành phần quan trọng của động vật phù du của các thủy vực nước ngọt; là loại thức ăn tươi sống quan trọng trong quá trình sản xuất giống thủy sản bao gồm cá loài có giá trị kinh tế như: cá tra, cá nheo mỹ, tôm càng nước ngọt.

Hình 1: ThS. Phạm Thị Lam Hồng chia sẻ các thông tin về luân trùng Brachionus calyciflorus

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã xác định được ảnh hưởng của mật độ quần thể đến quá trình tạo trứng nghỉ, khi mật độ quá cao sẽ gây chết luân trùng và ức chế quá trình tạo trứng nghỉ. Đối với hàm lượng NH3-N đã xác định ở nồng độ 2,5mg/l kích thích luân trùng tạo trứng nghỉ nhiều nhất. Đối với yếu tố nhiệt độ, nhiệt độ cao (35oC) kích thích luân trùng tạo trứng nghỉ nhiều nhất. Kết quả này là cơ sở cho việc xây dựng quy trình sản xuất trứng nghỉ luân trùng, từ đó có thể chủ động cung cấp giống luân trùng cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt, rút ngắn thời gian nuôi sinh khối, giảm thiểu tối đa nguy cơ lan truyền mầm bệnh cho cá bột.

Ở nội dung tiếp theo, PGS.TS. Trương Đình Hoài trao đổi về vi khuẩn S. agalactiae gây bệnh mù mắt trên ếch Thái Lan nuôi tại một số tỉnh miền Bắc. Mẫu ếch nghi nhiễm bệnh mù mắt (n=83) thu tại 26 hộ nuôi ếch ở 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Thái Bình, có một số biểu hiện chính như trắng đục mắt, mù một hoặc hai bên mắt (78,3%), da sẫm màu (53,0%), gan sưng, xuất huyết (69,9%). Vi khuẩn phân lập từ gan, thận, lách ếch nhiễm bệnh có khuẩn lạc dạng tròn, lồi, màu kem, đường kính khoảng 1mm; vi khuẩn gram (+), dạng liên cầu. Tổng số 26 chủng S. agalactiae gây bệnh trên ếch đã được phân lập và định danh thành công dựa trên các đặc tính hình thái, sinh hoá và giám định bằng kỹ thuật PCR. Liều gây chết 50% (LD50) của 3 chủng vi khuẩn S. agalactiae đại diện (1 chủng/tỉnh) trên ếch giống dao động từ 4,8 × 105 – 2,2 × 106 CFU/con. Vi khuẩn S. agalactiae phân lập từ ếch nhiễm bệnh có tỷ lệ kháng cao (61,5%) đối với oxytetracycline, sulfamethoxazole/trimethoprim, trong khi các loại kháng sinh amoxicillin, florfenicol, erythromycin có tỷ lệ nhạy từ 65,4 – 80,8%.

Hình 2: PGS.TS. Trương Đình Hoài trình bày về vi khuẩn S. agalactiae gây bệnh mù mắt trên ếch Thái Lan nuôi tại một số tỉnh miền Bắc

Tại phần thảo luận, PGS.TS. Kim Văn Vạn cho rằng việc đánh giá được ảnh hưởng của một số yếu tố đến quá trình tạo trứng nghỉ của luân trùng nước ngọt B. calyflorus là nghiên cứu rất có ý nghĩa đối với công tác sản xuất giống ĐVTS khu vực phía Bắc của Việt Nam. Theo một số tài liệu nghiên cứu, vai trò của luân trùng nước ngọt là rất quan trọng, việc sử dụng luân trùng làm thức ăn trong giai đoạn ăn đầu tiên đã nâng tỷ lệ sống của cá tra lên trên 25%. Tuy nhiên, đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức. Đối với vi khuẩn S. agalactiae gây bệnh mù mắt trên ếch Thái Lan nuôi tại một số tỉnh miền Bắc, nhiều ý kiến cho rằng đây là bệnh thường gặp và đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi ếch. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu hơn về điều trị bệnh này. Các ý kiến đóng góp và đề xuất của các nhà nghiên cứu là kênh thông tin cần thiết để người chăn nuôi tham khảo và xây dựng phương án sản xuất giống và nuôi thủy sản hiệu quả, bền vững.

 

Nhóm NCM Bệnh Thủy sản